Chúng ta – những người làm nhạc – vẫn luôn nói về Nhạc Lý Cơ Bản. Nhưng cụ thể thì Nhạc Lý Cơ Bản bao gồm những gì? Trong nền công nghiệp sản xuất âm nhạc hiện tại, có những người không biết Nhạc Lý Cơ Bản – vẫn có thể làm được nhạc nhờ các công cụ hỗ trợ, vậy Nhạc Lý Cơ Bản có thực sự cần thiết? Bài viết này sẽ cho bạn một góc nhìn tổng quan về Nhạc Lý Cơ Bản để bạn tự mình đưa ra quyết định.
🎼 Nhạc Lý Cơ Bản là gì?
Mọi ngôn ngữ đều có hệ thống ngữ pháp riêng và “ngôn ngữ âm nhạc” cũng không ngoại lệ. Hệ thống ngữ pháp nền tảng của âm nhạc chính là Nhạc Lý Cơ Bản, nền tảng này bao gồm:
1. NỐT NHẠC (Notes)
- Là các ký hiệu ghi lại cao độ âm thanh.
- Gồm 7 nốt chính: C D E F G A B (tương đương: Đô Rê Mi Fa Sol La Si).
- Có thể thêm dấu hóa để lên nửa cung (# – thăng) hoặc xuống nửa cung (♭ – giáng).
2. KHUÔNG NHẠC (Staff) & KHÓA NHẠC (Cleff)
- Khuông nhạc gồm 5 dòng kẻ ngang, là nơi viết các nốt nhạc.
- Khóa nhạc (thường gặp: khóa Sol và khóa Fa) xác định vị trí của các nốt trên khuông.

3. TRƯỜNG ĐỘ (Rhythm/ Duration)
- Cho biết mỗi nốt nhạc kéo dài bao lâu ➣ Nốt tròn, trắng, đen, móc đơn, móc kép… tương ứng với các độ dài (trường độ) khác nhau.
- Phần này bao gồm cả nhịp (time signature) ➣ Trong âm nhạc, chúng ta có Nhịp Đơn, Nhịp Kép và Nhịp Hỗn Hợp.

4. QUÃNG (Intervals)
- Là khoảng cách giữa 2 nốt.
- Các quãng phổ biến trong âm nhạc gồm:
- Quãng 1 đúng.
- Quãng 2 thứ/ trưởng ➣ Tạo cảm giác căng thẳng, dùng nhiều trong melody hoặc tension.
- Quãng 3 thứ/ trưởng ➣ Cực kỳ quan trọng để xác định tính chất hợp âm (trưởng/thứ).
- Quãng 4 đúng ➣ Dùng trong hòa âm, bè song song (quartal harmony)
- Quãng 5 đúng ➣ Là thành phần cốt lõi trong power chord (nếu chơi guitar)
- Quãng 6 thứ/ trưởng ➣ Rất hay dùng để tạo cảm xúc “dịu dàng”, thường thấy trong melody.
- Quãng 7 thứ/ trưởng ➣ Tạo cảm giác khá căng (như đang chờ được “giải cứu”). Dùng trong hợp âm 7 rất phổ biến.
- Quãng 8 đúng ➣ Hòa quyện, đồng điệu. Dùng để tăng gấp đôi giai điệu hoặc bè unison.
Hai nốt liền kề nhau (dựa theo phím keyboard) được tính là 1 quãng. Cụ thể: từ C lên C# là 1 quãng (gọi là quãng 2 thứ), từ C lên D là 1 quãng (gọi là quãng 2 trưởng)
5. GAM (Scale)
- Là tập hợp các nốt theo một trình tự nhất định.
- Có 2 Gam phổ biến mà chúng ta thường gặp ở hầu hết các bài hát, đó chính là Gam Trưởng (Major Scale) và Gam Thứ (Minor Scale)
Gam Thứ mà chúng ta thường nhắc đến là Gam Thứ Tự Nhiên (Natural Minor Scale). Ngoài ra còn có 2 loại Gam Thứ khác là Gam Thứ Hoà Âm (Harmonic Minor Scale) và Gam Thứ Giai Điệu (Melodic Minor Scale)

5. HỢP ÂM (Chords)
- Là nhóm từ 3 nốt trở lên được chơi cùng lúc ➣ Ví dụ: Hợp âm C major gồm các nốt: C – E – G
- Các dạng hợp âm phổ biến gồm:
- Hợp âm cơ bản (triad chord)
- Hợp âm giảm (dim)
- Hợp âm mở (open voicing)
- Hợp âm 7 (dominant chord)
- Hợp âm màu (color chord: add2, add4,…)
- Hợp âm mở rộng (extended chord: maj7, min7, dim7,…)
- Hợp âm chuyển (passing chord)
- Hợp âm treo (suspended chord: sus2, sus4)
- Hợp âm tăng (augmented chord)
Các nốt trong một Hợp Âm thường được chọn từ các nốt trong Gam mà bản nhạc đang sử dụng.
5. VÒNG HÒA THANH (Chord Progressions)
- Là chuỗi các hợp âm được sắp xếp để tạo thành phần đệm (đệm guitar, piano…) cho bài hát.
- Ví dụ phổ biến: I – V – vi – IV ➣ C – G – Am – F trong tông C trưởng.
Các số La Mã biểu thị Bậc trong tông ➣ VIẾT HOA = hợp âm trưởng, viết thường = hợp âm thứ. Khi chuyển tông: vị trí Bậc giữ nguyên, chỉ tên hợp âm thay đổi.
🤷 Học những thứ này có thực sự cần thiết?!
➪ Câu trả lời là: điều này hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ nghiêm túc của bạn đối với Nghề. Như bạn đã thấy ở trên, thật ra Nhạc Lý Cơ Bản không quá khó. Hầu hết là các công thức và những lý thuyết đơn giản mà chỉ cần dành chút thời gian nghiền ngẫm, rèn luyện đều đặn là được. Nếu bạn suy nghĩ tới việc học Nhạc Lý Cơ Bản, bạn có thể bắt đầu bằng việc:
- Tập đọc nốt trên khuông nhạc ➣ Bạn có thể sử dụng Music Tutor (app điện thoại) để hỗ trợ cho việc học.
- Hiểu nhịp và tập đếm nhịp ➣ MyEarTraning (app điện thoại) có thể là bạn đồng hành giúp bạn luyện tập phần này.
- Biết chơi một vài hợp âm cơ bản ➣ Hãy tập luyện với bất cứ loại nhạc cụ nào bạn thích, tập với MIDI Controller cũng được.
- Thử chơi các vòng hợp âm thông dụng ➣ Tham khảo website này, tìm các vòng hòa thanh đơn giản và chơi thử nhé!
Tất nhiên, với công nghệ mà chúng ta đang có ở hiện tại, việc học Nhạc Lý là không bắt buộc. Và nếu bạn chọn sử dụng các công cụ hỗ trợ thay vì phải tiếp nhận mớ lý thuyết khô khan thì cũng không phải là điều quá phi lý. Tuy nhiên, nếu có một ngày bạn cảm thấy chán ngấy việc phải phụ thuộc vào plugin nào đó chỉ để biết track này thuộc Gam gì, có thể bạn sẽ thấy giá trị thực sự của Nhạc Lý Cơ Bản.
Tổng kết,
Bạn không cần phải học toàn bộ nhạc lý từ cơ bản tới nâng cao thì mới làm được nhạc. Bạn chỉ cần hiểu những kiến thức cơ bản ở trên như đọc nốt, hiểu nhịp, chơi hợp âm và vòng hòa thanh đơn giản là bạn đã có thể bắt đầu rồi.
Công nghệ ngày nay cũng hỗ trợ rất nhiều nên dù bạn chọn cách làm nhạc bằng cảm giác thay vì học lý thuyết – điều đó cũng không có gì sai!
Quan trọng là: hãy cứ bắt đầu và cho bản thân mình được trải nghiệm dần trong quá trình sáng tạo. Theo thời gian, bạn sẽ biết mình thực sự cần gì trên hành trình này!